Dù 5 tháng nữa mới đến hè và 8 tháng nữa mới bước vào năm học mới nhưng nhiều phụ huynh đã lo lắng tìm chỗ học thêm cho con chuẩn bị vào... lớp 1.
Nỗi ám ảnh học đường đã đến quá sớm với những đứa trẻ chưa rành cả cầm muỗng ăn cơm.
Học thêm, học trước chương trình là điều mà có lẽ ít phụ huynh nào muốn, bởi nó sẽ tạo áp lực quá lớn với con trẻ. Còn với trẻ thì học thêm càng là nỗi sợ hãi vì chúng sẽ bị tước đi nhiều thời gian mà lẽ ra cần có để vui chơi, khám phá. Thời gian này cực kỳ cần thiết với trẻ để hoàn thiện tâm sinh lý, thói quen học hỏi từ tự nhiên và tạo hứng thú khi đến lớp. Song, dù không muốn thì nhiều phụ huynh cũng khó có thể làm khác khi mà chương trình lớp 1 mới được đánh giá là quá nặng với lứa tuổi này. Không học trước thì học sinh sẽ không theo kịp chương trình, rồi bị dồn ép ở lớp và tất nhiên là tụt lại phía sau.
Cuộc tranh luận về chương trình lớp 1 mới nặng hay nhẹ giữa nhiều phụ huynh với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã diễn ra từ đầu năm học 2019-2020. Đại diện Bộ GD-ĐT luôn khẳng định chương trình không nặng và cho rằng phụ huynh cảm tính, không hiểu sách giáo khoa mới. Thậm chí, một thành viên trong ban biên soạn sách giáo khoa còn lý luận: "Muốn đổi mới mà không muốn trả giá là điều không tưởng".
Không thể lý luận như góc độ của nhà quản lý nhưng ý kiến của phụ huynh lẽ ra cần được trân trọng. Nguyên do đơn giản là chỉ họ và chính họ mới trải qua kinh nghiệm cụ thể, cặn kẽ, am tường nhất về sự tiếp nhận chương trình học tập của con cái. Họ không kết luận chương trình học nặng hay nhẹ dựa trên lý thuyết giáo khoa thuần túy mà dựa theo chính phản xạ của học sinh, sự tập trung của con mình qua mỗi buổi học và cả diễn biến sức khỏe tâm lý, sinh lý khi trẻ tan lớp trở về nhà. Nay, sách giáo khoa mới đã áp dụng, chương trình học đã đến từng lớp, giáo viên đã được tập huấn trên cả nước nên mọi chuyện không thể thay đổi. Nhiều phụ huynh đành ứng phó bằng cách là cho con học thêm trước chương trình để vào lớp 1.
Học tập phải hứng thú, có hứng thú mới tìm tòi và học hỏi, nhất là đối với học sinh các lớp dưới. Sự chán ngán chương trình học, mất hứng thú với trường lớp ngay khi còn nhỏ quả thật đáng lo ngại. Ở một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, khi soạn sách giáo khoa luôn chọn những nhà giáo chuyên của từng cấp học, bởi họ nắm rất rõ chương trình nào là phù hợp với độ tuổi học sinh. Trước khi soạn sách, họ tham khảo rất kỹ ý kiến của phụ huynh và cả học sinh nên sẽ không xảy ra chuyện phát hành sách xong rồi phụ huynh và cơ quan quản lý còn phải "lý luận" về nội dung, học sinh học trước để vào lớp 1. Và quan trọng hơn, dù là chương trình nào, học sinh phải thấy hứng thú khi đến lớp.
Học thêm ngay trước khi vào lớp 1 là chuyện không mới ở ta. Điều đáng nói là các em còn phải tiếp tục học thêm ở nhiều năm sau này để chạy theo chương trình giáo dục đổi mới thường xuyên và theo tỉ lệ thành tích luôn được đặt ra.